Từ thành phố Quảng Ngãi, theo tuyến quốc lộ 24B rồi đến tỉnh lộ 623 khoảng 100km, vượt qua những đoạn đường đèo uốn lượn, du khách sẽ đặt chân đến xứ ngàn cau (huyện Sơn Tây) với những triền ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, cùng những thác nước kỳ vĩ.
Như miền sơn cước Tây Bắc
Từ cung đường Đông Trường Sơn tuyệt đẹp, rẽ về hướng tỉnh Kon Tum, dốc “Cà Rá U Sầu” sẽ đón du khách bằng dòng nước vắt qua con đường rồi đổ xuống triền đá phía vực sâu. Vượt qua con dốc ấy, xứ ngàn cau hiện ra trên từng triền đồi góc núi.
Khắp nơi là cau, bạt ngàn cau, đặc sản du lịch của vùng sơn cùng thủy tận này. Và trong rừng cau ấy, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang làng Mang Hin, làng Anh Nhoi…
Khi mùa đông trôi qua và mùa xuân tràn về, những làn sương mỏng bắt đầu vờn trên các triền núi, hoa rừng bắt đầu bung sắc. Rừng cau tỏa ra cái lạnh dịu nhẹ đủ để mặc chiếc áo gió trong suốt hành trình.
Dọc cung đường, từ trên đỉnh dốc phóng tầm mắt về phía cánh đồng ruộng bậc thang, du khách sẽ được ngắm cảnh tuyệt đẹp của mùa lúa chín vàng óng đổ từ trên sườn đồi xuống tận suối nước.
Xen lẫn trong những ruộng lúa là những cây cau cao vút bên cạnh những mái nhà thấp thoáng trong sương mù. Tận hưởng không khí se lạnh và thả mình vào thiên nhiên giữa núi rừng, du khách khó có thể muốn rời xa nơi này.
Gặp chúng tôi, anh Đỗ Trùng Dương (TP Đà Nẵng) cùng nhóm bạn mình lang thang xứ ngàn cau, chia sẻ: “Nghe anh em kháo nhau đã lâu mà nay mới có dịp ghé nơi này, thật không uổng công”.
Nếu đến vào mùa gặt, du khách còn được người dân cho “thử việc” để khám phá bản thân mình trong công việc đồng áng. Khi cùng ngồi ăn cơm với người dân địa phương dưới ánh lửa sưởi ấm về đêm, du khách đến xứ ngàn cau còn được nghe người làng kể những mẩu chuyện thú vị về cái tên của dân tộc Ca Dong, sự tích về những khu rừng Cà Rần (nghĩa địa xưa kia của người Ca Dong) đến nay vẫn còn lưu giữ…
Kỳ vĩ suối Tiên, thác Lụa…
Chia tay ruộng bậc thang, ngược lại đường cũ đến xã Sơn Dung (Sơn Tây), du khách sẽ được đắm mình trong làn nước mát lạnh của con suối Huy Măng (suối Tiên), được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích thắng cảnh vào năm 1999.
Dòng suối hiền hòa, quanh năm nước chảy lơ thơ, len qua khe hở của những phiến đá nhấp nhô trải dài nối tiếp nhau tạo nên những thanh âm kỳ lạ như tiếng đàn krâu và cồng chiêng hòa tấu trong một lễ hội đặc biệt nào đấy.
Dọc hai bên suối là những tầng dây leo, hoa dại và những tàn cây cổ thụ che phủ. Nhờ có rừng cây mà suối luôn trong xanh và mát lạnh quanh năm.
Du khách cũng không thể bỏ qua thác Lụa (xã Sơn Tinh), tên gọi có thể xuất phát từ hình ảnh dòng thác như một tấm dải lụa trắng xóa đổ từ trên đỉnh núi xuống vực sâu.
Với vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa hoang sơ, tiếng thác đổ ầm ầm ngày đêm cùng với tiếng chim hót, dã thú kêu rung rúc tạo nên bản hòa tấu của thiên nhiên kỳ ảo.
Dưới chân thác Lụa, theo dòng nước chảy tạo thành con suối Xà Ruông quanh co, khúc khuỷu với những tảng đá to, nhẵn bóng, xếp chồng nối tiếp nhau làm cho phong cảnh ở đây còn thêm hùng vĩ.
Ở những vực nước hững hờ của suối Xà Ruông, du khách thả đôi chân mình xuống nước nghe lạnh buốt, đổi lại là những chú cá nhỏ rỉa, đôi chân như được mátxa xua đi cái mệt mỏi sau những giờ leo núi lang thang trong rừng già.
Không chỉ được khám phá cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách đến với Sơn Tây còn được thưởng thức các món ăn rất dân dã mang đậm nét truyền thống của đồng bào Ca Dong.
Cùng với những ché rượu cần, rượu sâm cau bên tiếng đàn krâu cùng đồng bào Ca Dong ê a làn điệu Ra Nghé, Kaliêu. Nhâm nhi cùng đĩa cá niêng, một đặc sản của núi rừng Quảng Ngãi. Cái vị nhẫn nhẫn, đăng đắng sẽ làm du khách nhớ mãi về món ăn dân dã mà thú vị này.
Một món ăn khác cũng được rất nhiều du khách thích thú, đó là món canh ốc đá nấu với rau ranh, một món ăn dân dã và thường nhật của người dân bản địa.
Không cầu kỳ về cách chế biến với những gia vị rất thông thường như: một ít gạo tấm, một ít ớt với một ít muối, nhưng món canh này lại có cái vị ngọt, vị mát, vị béo rất đặc trưng của vùng đại ngàn.
Những du khách nào thích khám phá vị cay nồng có thể thử một tem trầu kèm với cau và vôi, vốn được người dân địa phương xem như là “đầu câu chuyện”.