Phong tục cưới hỏi truyền thống của đất nước Hàn Quốc.

Hàn Quốc hấp dẫn du khách không chỉ là những cung điện lịch sử tráng lệ, những ngôi chùa linh thiêng nằm trong khung cảnh hòa nguyện với thiên nhiên sông, núi, cây cỏ, những con đường đẹp, những hòn đảo đẹp được ví như thiêng đường tình yêu, một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc mang thương hiệu trên toàn thế giới…mà khi đến du lịch Hàn Quốc du khách còn khám phá được Hàn Quốc có một nền văn hóa về phong tục, quan niệm của con người cũng khá là thú vị nó mang âm hưởng của truyền thống kết hợp với hiện đại thể hiện nét độc đáo riêng của xứ Hàn.

Img

Cùng với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc…Hàn Quốc cũng có những phong tục truyền thống trong các ngày lễ, ngày Tết cổ truyền, Tết Trung thu…rất đặc sắc mang âm hưởng của nét Á Đông bên cạnh đó nó còn mang một nét đặc sắc riêng biệt nhất của  Hàn Quốc. Một trong những phong tục ấy có phong tục cưới hỏi một phong tục mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có, cũng có chứ không phải là giống nhau, mà mỗi quốc gia lại có những nghi lễ riêng, những quy định riêng, những điều cấm kỵ, những quan niệm riêng…mà nếu khi như không khám phá thì chúng ta sẽ không biết,  không thấy được điểm thú vị, những nét văn hóa độc nhất  của cả một quốc gia. Vậy chúng ta cùng nhau khám phong tục cưới hỏi Hàn Quốc xem có khác gì với phong tục cưới hỏi của Việt Nam không?.

dam-cuoi-han-quoc(1)

 

Trong xã hội Hàn Quốc truyền thống, mọi việc liên quan đến cưới xin của con cái đều do cha mẹ, ông bà quyết định. Những người đứng đầu hai bên gia đình sắp đặt nghi lễ cưới hỏi mà chẳng hề quan tâm đến nguyện vọng của cô dâu và chú rể. Trong cưới xin, những người làm công việc mối lái chỉ là những người trung gian, làm công việc kết nối giữa hai gia đình, còn cha mẹ hai bên gia đình mới là người quyết định hôn nhân.

Lễ cưới ở người Hàn Quốc còn được xem như là “liên minh của hai dòng họ”. Đây không phải là vấn đề kết hợp người đàn ông và người đàn bà bởi tình yêu, mà là sự kết hợp của hai gia đình.

Theo tạp chí Koreana, nghi lễ cưới của người Hàn Quốc bao hàm bốn nội dung sau: Thứ nhất, cô dâu và chú rể phải điều chỉnh các mối quan hệ để hai gia đình gắn kết lại qua quan hệ thông gia. Thứ hai, đôi vợ chồng trẻ phải sống với nhau suốt đời. Thứ ba, cặp vợ chồng trẻ phải thương yêu nhau mãi mãi. Thứ tư, là sự mong đợi cặp vợ chồng trẻ sinh được nhiều con cái, nhất là nhiều con trai nối dõi.

Từ thời xa xưa, do tính chất quan trọng của nghi lễ cưới trong cơ cấu của những nghi lễ gia đình nên nghi lễ cưới xin của người Hàn Quốc đã tuân theo những quy định bắt buộc. Thông thường, tổ chức một đám cưới phải trải qua sáu nghi lễ chính: Napchae (dạm ngõ), munmyeong (xin tuổi, ngày sinh, tháng đẻ của cô dâu), napgil (bói toán xem tương lai của hôn nhân, sau đó thông báo chính thức cho nhà gái), napjing (gửi quà sang nhà gái để cúng gia tiên, khẳng định ngày cưới), cheonggi (nhà trai gửi thư cho nhà gái ấn định ngày cưới), chiyeong (nghi lễ cưới ở nhà cô dâu).

Tuy nhiên, cùng với thời gian, các nghi lễ cưới của người Hàn Quốc có xu hướng đơn giản hóa, đến ngày nay chỉ còn bốn bước, đó là: uihon(lễ giạm ngõ và bàn bạc những nghi lễ tiếp theo giữa hai gia đình), napchae (kết hợp giữa napchae truyền thống và lễ mynnyeong), nappye (kết hợp nghi lễ napgil với napjing và cheonggi) và chinyeong (lễ cưới). Những nghi lễ này được mô phỏng theo những nghi lễ cưới của Trung Quốc và được du nhập vào Hàn Quốc thời trị vì của vua Sukjong (1674-1720), vị vua thứ 19 của triều đại Joseon, triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Trước ngày cưới

Bước đầu tiên để tiến tới đám cưới theo truyền thống là lễ dạm hỏi (uihon). Người Hàn Quốc rất coi trọng hoàn cảnh gia đình, dòng họ, thành phần giai cấp cũng như trình độ học vấn của cô dâu, chú rể tương lai, nên để đến được với nghi lễ này, trước đó gia đình hai bên đã phải thuê người điều tra, tìm hiểu gia cảnh nhà thông gia tương lai cùng với sự giúp đỡ của những người mai mối. Sau đó, dựa trên những thông tin thu thập được, những người có tuổi của hai bên gia đình sẽ thảo luận với nhau về những điều kiện để có thể tiến tới đám cưới. Những đề xuất của hai bên được đem ra bàn bạc, trao đổi và nếu như những người đứng đầu hai bên gia đình đồng ý thì họ sẽ tiến hành những bước tiếp theo. Bước thứ nhất, gia đình chú rể gửi cho gia đình nhà gái bức thư chính thức xin cưới, trong đó ghi rõ ngày, tháng năm sinh (saiju) của người con trai. Nếu đống ý, nhà gái cũng cho nhà trai biết saiju (ngày, tháng, năm sinh) của người con gái. Sự đính hôn có thể bị huỷ bỏ nếu như sau khi hai bên gia đình so tuổi cô dâu và chú rể thấy tương lai cuộc sống của họ có điều bất ổn. Nếu kết quả so tuổi diễn ra suôn sẻ thì gia đình cô dâu sẽ quyết định ngày cưới và thông báo cho gia đình chú rể. Để chọn được ngày tổ chức lễ cưới, người ta phải tham khảo ý kiến của những ông thầy cúng. Sau khi ấn định ngày cưới, gia đình nhà trai sẽ phải gửi đồ sính lễ đến nhà gái.

Trang phục của cô dâu, chú rể trong đám cưới

Chú rể

phog tuc cuoi hoi han quoc

Không phân biệt địa vị xã hội, trong đám cưới, chú rể được mặc trang phục giống như trang phục của con rể (phò mã) của vua chúa Hàn Quốc xưa. Tóc chú rể được búi lên đỉnh đầu, ngoài đội mũ cánh chuồn (samo).Cũng có nhiều chú rể lại chọn bokgeon, một loại mũ của những người theo Nho giáo thường đội.

Trang phục của chú rể bao gồm bagji giống như quần ngủ rộng thùng thình) và áo khoác ngắn (jeogori), tất cả hợp thành bộ quần áo truyền thống mà người Hàn Quốc gọi là hanbok. Chú rể bên ngoài khoác chiếc áo dài dopo và phủ lên tất cả là chiếc áo choàng giống như một chiếc áo ngủ dài, rộng dallyeong màu xanh nước biển hoặc màu đá ngọc bích, với miếng vải thêu hình hai con sếu màu trắng có mào đỏ trước ngực, chân đi đôi ủng dài đến mắt cá chân (mokhwa). Bên trong là đôi tất trắng ngắn (beoseon) và thắt lưng (gakdae). Chú rể ra mắt mọi người đến dự đám cưới với chiếc khăn mỏng che mặt.

Tất cả những thứ chú rể mang trên người được người Hàn Quốc gọi là samogwndae, trên ngực áo khoác ngoài có thêu hai con hạc trắng, mào đỏ, đó là trang phục mặc hàng ngày của quan lại phong kiến Hàn Quốc. Chỉ có điều khác là đối với chú rể là quan văn (những người làm công việc dân sự) thì trên miếng vải khâu đính trước ngực chiếc áo khoác ngoài thêu hai con hạc trắng, mào đỏ. Còn chú rể làm việc trong lực lượng vũ trang thì trên miếng vải thêu đôi sư tử và chú rể chỉ là người dân bình thường thì thêu những hoa văn trưng diện. Tuy nhiên, cùng với thời gian, ngày nay, tuỳ theo ý thích của chú rể, trên miếng vải này thêu gì cũng được.

Cô dâu

phong tuc cuoi hoi Han Quoc

Trang phục của cô dâu ngày cưới được chuẩn bị cầu kỳ hơn của chú rể. Tóc của cô dâu được tết thành hai dải đuôi sam và được búi hành búi lớn (ssanggye), với chiếc nơ (dari) sau gáy. Ngoài phủ khăn chùm đầu thêu những hoa văn theo quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ thời Joseon.

Theo người Hàn Quốc, ssangye là dấu hiệu tượng trưng cho cả con gái lẫn con trai chưa lấy vợ lấy chồng. Dấu hiệu này cũng thấy có ở dân tộc Thái ở Việt Nam. Cô dâu phải để tóc như vậy suốt trong ngày cưới. Sau đêm tân hôn, tóc cô dâu được bện thành một dải, dấu hiệu của người phụ nữ đã có chồng, hoặc đơn giản được buộc lại bằng giải ruy băng (jjokdaenggi).

Đồ lót của cô dâu mặc trong ngày cưới không khác so với ngày thường, chỉ khác là ngày cưới người ta mặc những đồ mới. Váy lót (sokjeoksam), áo lót (darisokgot) được may từ loại vải mỏng mềm mại. Cô dâu mặc váy và áo khoác ngoài màu xanh hoặc màu vàng. Những phụ nữ chưa chồng thời Joseon thường mặc áo khoác ngoài màu vàng, còn áo khoác ngoài màu xanh dành cho những người đàn bà mới lấy chồng. Ngày cưới, việc lựa chọn màu sắc áo khoác ngoài phụ thuộc vào thói quen, tập tục của mỗi gia đình. Những phụ nữ thuộc tầng lớp dân thường mặc váy hai tầng màu đỏ, song, những cô dâu thuộc tầng lớp quý tộc lại mặc một loại váy dài và rộng với những hoa văn dát vàng (seuranchima), và thay vào chỗ chiếc áo khoác ngoài màu vàng hoặc màu xanh là chiếc áo khoác với những hoa văn trang trí màu đỏ tía xung quanh cổ và tay áo. Xung quanh cổ áo khoác ngoài của cô dâu còn được thêu những hoa văn trang trí là những hoa cây bông tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.

Ngoài cùng của bộ trang phục cô dâu ngày cưới là một loại áo choàng rộng có xẻ hai bên nách và hai cổ tay có đính dải vải kẻ màu trắng (wonsam hoặc hwarot). Hwarot được làm từ lụa tơ tằm, được thêu nhiều hoa văn dát vàng, chỉ có công chúa hoặc con gái các bậc quan lại thời xưa mới được mặc. Còn wonsam, một loại áo ngoài sang trọng, có dát vàng hình con rồng, con phượng, với ống tay rộng và dài hơn so với áo của dân thường, chỉ dành cho hoàng hậu và những người xuất thân có họ hàng với nhà vua.

Khi mặc wonsam hoặc hwarot người ta dùng thắt lưng là một dải lụa màu đỏ (daedae) quấn quanh và thắt ở đằng sau. Gái làng chơi hoặc kỹ nữ thì thắt lây lưng daedae thành hình con bướm sau lưng. Song, đối với đám cưới, khi mặc wonsam, người ta quấn daedae hai vòng quanh eo và để rủ bên hông. Đôi khi daedae được trang trí những tua gọi là norigae hoặc thêu những hoa văn trang trí. Những phụ nữ thuộc tầng lớp trên của xã hội, ngày cưới họ thường thắt samijak norigae có đính ba cái nơ màu có tua dài và một số đồ gia bảo.

Tùy thuộc vào truyền thống và sự giàu có của gia đình mà cô dâu mặc wonsam hoặc hwarot. Những cô dâu thuộc các gia đình quyền quý đôi khi mặc wonsam khi làm lễ cưới, còn sau đó mặc hwarot cho nghi lễ pyeback, là nghi lễ cô dâu dâng quà tặng của mình cho bố, mẹ chồng. Hwarot thường được thêu một con phượng lớn với chín con phượng nhỏ và một đứa trẻ bụ bẫm tay cầm hoa sen, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và sự trường thọ. Ngoài ra, những ký hiệu tượng trưng cho các hòn đá, chữ tượng hình, sông nước, hoa sen tượng trưng cho sự giàu sang, hạnh phúc cũng được nhiều người sử dụng.

Lễ cưới

dam-cuoi-cua-nguoi-han-quoc_04

Lấy vợ lấy chồng là sự kiện hệ trọng đối với mỗi người, do vậy lễ cưới (daerye nghĩa đen là nghi lễ lớn, theo tiếng Hàn Quốc) là nền tảng cho tất cả những nghi lễ khác sau đó. Trước đây, lễ cưới thường được tổ chức vào buổi chiều trong sân nhà cô dâu. Do vậy, chú rể và những người lớn tuổi của gia đình chú rể phải có mặt tại nhà cô dâu từ sáng sớm. Nếu gia đình chú rể ở xa, họ đến bằng xe ngựa. Trước khi vào nhà cô dâu, đoàn nhà trai dừng lại, ghé vào nhà hàng xóm nghỉ để chú rể thay quần áo cưới truyền thống.

Đến nhà cô dâu, việc trước tiên chú rể phải thực hiện nghi lễ jeonannye. Mở đầu nghi lễ này, bố cô dâu đặt một con ngỗng bằng gỗ lên trên bàn thờ tại địa điểm tổ chức lễ cưới, sao cho nằm ở giữa đối diện cổng ra vào và khoảng sân để tiến hành nghi lễ và sau đó cúi đầu lạy hai lần.(Trên bàn thờ người ta bày hàng loạt những vật dụng như: gạo tượng trưng cho sự giàu có, dư dật; những quả táo (táo ta) tượng trưng cho sự trường thọ; hạt dẻ và thịt gà được quấn những sợi tơ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; những cành thông và những cành tre tượng trưng cho sự chung thủy,v.v…). Trong thời gian đó, người mẹ cô dâu cũng đem con ngỗng khác bằng gỗ đặt đối diện với phòng cô dâu. Nếu như con ngỗng không bị đổ, theo quan niệm của người Hàn Quốc, cô dâu sẽ sinh con trai đầu lòng, còn nếu con ngỗng đổ, thì cô dâu sẽ sinh con gái. Do quan niệm con ngỗng là vật nuôi tượng trưng cho sự chung thủy và là vật tượng trưng cho quan hệ hôn nhân, nên khi cử hành lễ cưới chú rể phải đứng trước con ngỗng trên bàn thờ và đọc những lời thề trước tổ tiên và trời đất.

Tiếp theo là nghi lễ có tên gọi là gyobaerye, cô dâu và chú rể cúi chào nhau trước bàn thờ tổ tiên. Trước tiên, cô dâu cúi đầu chào chú rể hai lần và chú rể chào lại cô dâu một lần. Quá trình này được lặp lại thêm một lần, sau đó cô dâu và chú rể ngồi xuống, trao cho nhau chén rượu, nghi lễ này được gọi là hapgeunnye. Cô dâu và chú rể uống cạn chén rượu thứ nhất và thứ hai, đến chén thứ ba chú rể rót đầy chén rồi quấn chỉ xanh xung quanh, cô dâu cũng quấn chỉ đỏ xung quanh chén rượu của mình và trao đổi chén cho nhau rồi uống cạn. Người Hàn Quốc quan niệm nghi lễ trên tượng trưng cho việc cô dâu và chú rể đó là vợ chồng. Với việc thực hiện nghi lễ này, lễ cưới đó được hoàn thành.

phong tuc cuoi hoi Han Quoc

Khác với đám cưới của người Việt, buổi tối đầu tiên sau hôn lễ, cô dâu và chú rể ngủ tại nhà chú rể, còn người Hàn Quốc, sự kiện này lại diễn ra ở nhà cô dâu. Sau khi uống cạn chén rượu cô dâu đưa cho, chú rể bắt đầu cởi bỏ trang phục trên người cô dâu. Một người đàn bà trẻ đã có chồng khoét một lỗ nhỏ cạnh cửa ra vào và nói cho chú rể biết phải làm như thế nào. Sau cùng, chú rể phải tắt hết nến trước khi đi ngủ. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, may mắn sẽ không đến nếu như nến không được tắt hết. Do vậy, để chắc chắn, chú rể lấy khăn chùm đầu của cô dâu chụp kín những cây nến trước khi cùng cô dâu đi ngủ. Nghi lễ này người Hàn Quốc gọi là “ngắm phòng ngủ”. Sáng hôm sau, chú rể được cho ăn một loại súp nấu từ gạo hay lúa mạch hoặc cây họ vừng với thịt, theo quan niệm của người Hàn Quốc, đó là loại lương thực giàu năng nượng.

Chú rể ở lại nhà cô dâu tối nữa, đến ngày thứ ba mới cùng cô dâu trở về nhà mình. Người Hàn Quốc gọi nghi lễ này là ugwi. Tuy vậy, trước kia chú rể còn phải thực hiện nhiều nghi lễ phức tạp mà người Hàn Quốc gọi là muksinhaeng. Chú rể cũng có thể quay trở về nhà một mình ngay sau khi thực hiện xong nghi lễ này và chờ cho đến đầu năm sau mới được đón cô dâu. Trong thời gian chờ đợi, chú rể phải qua lại nhà cô dâu thăm hỏi, tham gia lao động hàng ngày và phải làm ba cái lễ sau đó mới được đưa cô dâu về ở hẳn nhà mình.

Tập tục trì hoãn mang cô dâu về ngay nhà chồng xưa cũng thấy có ở người Việt vùng đồng bằng sông Hồng và một số dân tộc như: Tày, Nùng và một số dân tộc ở bắc Tây Nguyên. Nghĩa là sau đám cưới, cô dâu vẫn ở lại nhà cha mẹ đẻ, còn người chồng sẽ thường xuyên qua lại, chỉ đến khi có đứa con, đôi vợ chồng cùng con mới chuyển về chồng ở.

Lễ đón dâu về nhà chú rể

Chuyến đi đầu tiên của cô dâu về nhà chú rể được nhà trai gọi là ugwi, còn nhà gái lại gọi là sinhaeng. Người ta để cô dâu ngồi trong chiếc kiệu nhỏ trang hoàng đẹp do hai người khiêng, theo sau là đoàn người mang theo của hồi môn của nhà gái cho cô dâu về nhà chồng. Khi đoàn rước dâu đến nhà chú rể, người ta tung những hạt muối ăn lên kiệu, lên người cô dâu, và khi chú rể mở cửa kiệu để đón cô dâu, thì cô dâu phải nhảy qua đống lửa nhỏ. Người Hàn Quốc quan niệm rằng đây là nghi lễ nhằm xua đổi tà ma có thể theo cô dâu.

Sau khi đã trang điểm, chỉnh trang lại quần áo, cô dâu ra cúi đầu chào bố mẹ chồng và họ hàng bên chồng. Cùng lúc đó, những đồ ăn, thức uống mà đoàn nhà gái và cô dâu mang theo được mở ra để thực hiện nghi lễ được gọi là pyeback. Cô dâu rót rượu mời bố mẹ chồng. Sau khi nhận được chén rượu, mẹ chồng lấy những hạt giẻ trên bàn thờ tung vào người cô dâu với mong muốn sau này cô dâu sẽ sinh nhiều con trai. Bà mẹ chồng cũng mời các thành viên gia đình nhà chồng mỗi người một chiếc bánh kẹp và bản thân bà ta cũng ăn một chiếc. Người Hàn Quốc quan niệm rằng bánh kẹp bơ sẽ gắn chặt miệng của các thành viên trong gia đình để họ không thể mắng chửi hoặc có những lời nói không hay đối với cô dâu.

Cũng giống như trước khi đi ngủ, sáng hôm sau khi thức dậy, cô dâu phải chào hoặc hỏi thăm sức khỏe bố mẹ chồng. Sau ba ngày ở nhà chồng, đến ngày thứ tư cô dâu mới vào bếp chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình. Điều này có nghĩa là cuộc sống thường ngày của cô dâu đã bắt đầu ở ngôi nhà mới.

Qua vài ngày, các gia đình họ hàng gần với nhà chồng cũng như hàng xóm láng giềng có quan hệ thân thiết với gia đình chú rể sẽ mời cô dâu chú rể đến nhà họ ăn cơm. Đây là cơ hội để cô dâu nhận họ hàng cũng như những người hàng xóm. Mỗi lần đến ăn cơm như vậy, cô dâu chú rể không quên chút quà mừng gia chủ.

Cô dâu về thăm bố mẹ đẻ

Đây là nghi lễ cuối cùng trong chuỗi các nghi lễ cưới hỏi của người Hàn Quốc. Trước kia, nghi lễ này được tổ chức sau khi gia đình nhà trai thu hoạch vụ mùa đầu tiên tính từ khi cô dâu về nhà chồng. Sau khi cưới, lần đầu cô dâu trở về thăm cha mẹ đẻ có chú rể đi cùng, mang theo rượu và một loại bánh gọi là tteok làm từ bột gạo của vụ mùa mới thu hoạch. Theo người Hàn Quốc, nghi lễ này mang hàm ý để cho bố mẹ cô dâu biết cuộc sống của cô dâu ở ngôi nhà mới diễn ra tốt đẹp. Trong thời gian lưu lại nhà cô dâu, chú rể thường được họ hàng nhà cô gái mời cơm. Đây cũng là dịp để chú rể nhận họ hàng bên vợ.

Tập tục cưới xin ngày nay

HTV2 - Dam cuoi cua Woo Jae va Seo Young

Đối với người Hàn Quốc thuộc thế hệ trước, hôn nhân được xem như sự kiện rất quan trọng đối với cả gia đình, thì trái lại với thế hệ trẻ ngày nay, hôn nhân chỉ là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Đa số họ vẫn xây dựng gia đình khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên cũng có nhiều người thích cuộc sống tự do, ít bị ràng buộc. Những người không lấy vợ lấy chồng nay chẳng còn e sợ miệng lưỡi người đời. Và ở Hàn Quốc hiện nay ngày càng gia tăng số lượng người cho rằng lấy vợ lấy chồng là điều gì đó điên rồ.

Cùng với đó, tập tục cưới xin cũng có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng đơn giản. Tương tự như tập tục cưới xin ở người Việt ngày nay, một số nghi lễ rườm rà cũng đã được lược bỏ, hiện chỉ giữ lại những nghi lễ chính.

Hiện nay, đám cưới của người Hàn Quốc thiên về tính thực dụng, chi phí có xu hướng chia đều cho cả hai gia đình cô dâu và chú rể. Một số đồ dùng nhà trai bắt buộc phải có để tặng nhà gái ở những đám cưới xưa kia thì nay được thay bằng tiền. Chẳng hạn như trước kia, trong ngày lễ đính hôn, nhà trai phải gửi đến nhà gái chiếc ham (rương gỗ to), trong đó đựng những tư trang, vải vóc, quần áo…cho cô dâu. Nhưng nay, theo kết quả điều tra 1.000 đám cưới tổ chức năm 2002 của một công ty môi giới cưới xin ở Hàn Quốc cho thấy, chỉ có 34,9% đám cưới nhà trai dùng ham đựng quà gửi sang nhà gái trước khi tổ chức lễ cưới và chỉ có trên 3,8% có tổ chức nghi lễ đính hôn. Các con số trên là rất thấp so với trước kia. Thêm vào đó, tập tục truyền thống yedan( cô dâu may vá quần áo, chăn mền làm quà tặng các thành viên gia đình nhà trai và người họ hàng nhà trai) cũng thay đổi nhiều, có 76% trường hợp đã thay thế bằng tiền.

Để phù hợp lối sống của một nước công nghiệp, thời gian hoàn tất những nghi lễ của một đám cưới ở Hàn Quốc cũng được rút ngắn. Nếu như xưa kia, chỉ sau khi có đứa con đầu lòng thì người chồng mới tổ chức nghi lễ đón vợ về ở hẳn nhà mình, thì ngày nay, sau nghi lễ cưới, tương tự như ở Việt Nam, người ta làm ngay lễ đón dâu. Nếu như trước kia, đám cưới được tổ chức tại nhà cô dâu, sau đó là tại nhà chú rể, thì nay các lễ cưới được tổ chức tại khách sạn hoặc các nhà hàng sang trọng. Hàn Quốc ngày nay là cường quốc sử dụng Internet, do vậy, việc mua sắm hàng ngày cũng như những đồ dùng trong cưới xin thường được sử dụng qua mạng. Tương tự như Nhật Bản, nhiều công ty tư vấn mua sắm qua mạng ra đời sẽ tư vấn cho cô dâu, chú rể những thứ cần mua cho đám cưới. Cùng với sự phát triển xã hội, ngày nay có nhiều công ty môi giới ra đời, do vậy, vai trò của những người làm mối trong xã hội Hàn Quốc không còn như xưa. Một hiện tượng mới ngày nay là sau đám cưới, các đôi vợ chồng thường đi hưởng tuần trăng mật. Họ thường chọn các chuyến du lịch ngắn ngày ở trong nước hoặc ra nước ngoài.

Tóm lại, như các nước đang phát triển khác, nghi lễ cưới của người Hàn Quốc ngày nay có xu hướng ngày càng đơn giản , nhiều nghi lễ được cắt giảm, chỉ còn giữ lại những nghi lễ chính. Tương tự như vậy, trang phục của cô dâu, chú rể cũng như thực phẩm dùng trong đám cưới cũng thay đổi theo hướng phù hợp với lối sống hiện đại. Nhìn bề ngoài nhiều đám cưới của người Hàn Quốc chẳng khác gì đám cưới của người châu Âu. Nhiều người nghiên cứu người Hàn Quốc cho rằng cứ đà này, không lâu nữa văn hoá cưới hỏi ở Hàn Quốc sẽ không còn.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *