Những khoảng lặng giữa lòng Seoul ồn ào

 Đến với Seoul Hàn Quốc du khách có thể thấy được nhịp sống bận rộn hối hả, tất bật của thành phố này. Nhưng đâu đó sau những tòa nhà cao chọc trời, đường phố hiện đại là những góc nhỏ là những khu dân cư, những con hẻm nhỏ vẫn có được nét cổ kính, bình yên và giữ được mùi vị riêng của mình.

Làng Kiến
Trên sườn phía Tây Bắc núi Inwangsan là nơi cư ngụ của Gaemi Maeul-dịch nôm na là Làng Kiến. Không bị ảnh hưởng bởi bàn tay phát triển nhờ địa thế sườn dốc cheo leo, Làng Kiến vẫn còn nguyên hình ảnh của Seoul thời đô thị hóa ào ạt những năm 60-70.

Không khí hoài cổ của Làng Kiến đã lọt vào mắt xanh của nhiều nhà làm phim truyện và phim truyền hình, và còn được Mapo World dành tặng cụm từ “khu văn hóa đặc biệt”.

The-gioi-hep-cua-Seoul-1

Những bậc thang bê tông hẹp cuộn quanh các nền đất độn cao nơi nương tựa của những ngôi nhà một tầng nhìn xuống phần còn lại của thành phố. Những con mèo mắt lim dim, hờ hững phơi mình trên mái nhà. Những bức họa tường – tác phẩm của những sinh viên nghệ thuật đến từ khắp nơi – điểm thêm màu sắc cho ngôi làng.

Bản thân Làng Kiến không phải là một điểm đến du lịch, đây là chặng đầu của cuộc hành trình xuyên núi Inwangsan, tới thăm bức tường thành cổ rồi xuôi xuống núi theo hướng Đông Bắc để gặp gỡ Buam-dong – một làng đồi có nhiều quán ăn ngon. Hãy tìm biển hiệu Rabia nếu bạn muốn nhấm nháp pasta hoặc pizza, hay đến Club Espresso để thưởng thức những loại cà phê chọn lọc và bánh quy gia truyền.

Gahoe-dong và Bukchon
Vùng đất nằm giữa Cung điện Gyeongbokgung và Cung điện Changdeokgung thuộc về một cụm dân cư có tên gọi Bukchon, nổi tiếng với những con phố hẹp và số lượng lớn nhà truyền thống hanok còn sót lại. Các quán cà phê và nhà hàng mang phong cách kỳ lạ mọc lên ngày một nhiều bên cạnh những bảo tàng và những phòng tranh. Bảo tàng Gahoe sở hữu bộ bùa hộ mạng dân gian đẹp mê hồn, còn bảo tàng Dong Lim dành trọn cho nghệ thuật đan truyền thống của Hàn Quốc. Hãy tìm đến Trung tâm Văn hóa Bukchon để biết thêm thông tin.

The-gioi-hep-cua-Seoul-2
Từng được mô tả là “những huyết quản của thành phố”, những con hẻm của vùng thường uốn lượn, gợi nhớ các ngôi làng truyền thống. Cách khám phá lý tưởng là tự thân vượt dốc và lục lọi từng góc nhỏ, nhưng trong đó cũng có một lộ trình lý tưởng xuyên qua Gye-dong đến trường cấp hai và cấp ba tới cuối phố, rẽ trái hai lần rồi lượn theo khúc quanh về phía tây qua một quả đồi, đi qua tán cây hồng vàng, ven theo hàng hiên nhô ra của những dãy nhà hanok, qua Bảo tàng Gahoe rồi đến Bảo tàng Dong Lim.

Băng qua đường chính tới Gahoe-dong, rẽ vào con ngõ nhỏ bên cạnh quán cà phê DooRoo (quán cà phê số một). Đi theo con dốc dẫn vào trung tâm Gahoe-dong nơi tọa lạc của những căn nhà hanok đẹp nhất vùng. Từ nơi cao nhất, hướng xuống phía Tây và ghé thăm vùng Samcheong-dong nổi tiếng-mái nhà của nhiều hanok hơn nữa và nhiều cửa tiệm ăn uống phong phú.

Ngõ mỹ thuật Hongdae
Bức tường của Trường Đại học Hongik xây ra từ cổng chính về phía Nam không bao giờ lọt ra khỏi tầm mắt của những ai từng đặt chân qua Hongdae. Con hẻm được bao phủ bởi những mảng tranh thú vị này là minh chứng cho cuộc sống nhuốm màu nghệ thuật của Hongdae. Cũng như mỗi mét vuông của Seoul, đây là mái nhà của nhiều quán cà phê hấp dẫn.

The-gioi-hep-cua-Seoul-3
Quán cà phê Semo nằm lưng chừng ngõ có phong cách nội thất bình lặng, trang trí với đàn ghi ta và nhiều cuốn sách giá trị – trong đó có sách nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế bằng tiếng Anh – và, vào thời điểm viết bài, những chai xi rô cây thích khó hiểu xếp hàng trên một chiếc kệ. Nếu bạn coi quán cà phê là nơi để tận hưởng buổi chiều im ắng, thư giãn, thì đây là một lựa chọn tuyệt vời.

Đến cuối ngõ, rẽ phải. Đi thêm một chút nữa, rẽ trái, trước mặt bạn là Hakata Bunko, nơi phục vụ mỳ Nhật ngon chính hiệu. Giờ đây, bạn chỉ còn cách In the Paper 10 phút đi bộ.

Chợ trời Dongmyo

Một phần của khu chợ lớn mở rộng theo phía Đông từ Cổng Dongdaemun, dọc theo Suối Cheonggyecheon, đây là thiên đường của những con phố hẹp nơi chủ của những cửa tiệm chật hẹp bán những thứ đồ thập cẩm không phân được mới hay cũ.

Làm thế nào mà những bộ quần áo, những nhạc cụ đã qua tay hơn hai lần chủ, những món đồ điện tử, đồ phụ kiện, những vật trang trí lạ mắt, những chiếc xe đạp, những đôi giầy và tất cả những thứ tạp nham này lại hội tụ ở cùng một nơi như thế này là việc bạn chỉ có thể đoán.

“Tôi thường đến đây để mua quần áo lỗi mốt, giầy dép, cặp túi giá rẻ” – nghệ sĩ Eunseon Park – người đang thực hiện “Seoul Tours”, một phần trong dự án Listen to the City (Lắng nghe Thành phố) của bà – nói. Một trong những điểm dừng chân trong tour của bà Park là Chợ trời Dongmyo, khiến cho một góc thành phố vốn bị che lấp bởi những địa điểm du lịch ồn ã đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.
The-gioi-hep-cua-Seoul-4
“Một nửa khu chợ đã bị dỡ bỏ từ dự án khôi phục Suối Cheonggyecheon, nhưng phần diện tích còn lại vẫn còn rất rộng lớn” – bà Park nói. Những ngách đi lại trong chợ phù hợp với những ai thích vừa thong dong dạo chơi vừa khám phá. Cũng có những khi bạn thắng được một món hời khi mua sắm, nhưng giá cả và giá trị của đồ đạc ở đây luôn luôn vô cùng khó ước lượng.

Đền Dongmyo được xây dựng vào khoảng giữa năm 1599 và 1601 để thờ Tướng Quan Vũ của Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3 – vị tướng được nhà Minh hết lòng tôn thờ. Vài năm gần đây miếu được đóng cửa để tu sửa, nhưng nội trong tháng Tư này sẽ mở cửa lại một phần.

Những khu vực trên nằm ở những phía khác nhau của thành phố, vì vậy nếu muốn cùng lúc thăm thú được mọi nơi, bạn sẽ phải chịu tốn hàng giờ trên xe điện, xe bus hay taxi, chưa kể thời gian tìm đường và lạc đường. Tuy nhiên, bản chất của những con ngõ chật hẹp này là ở chỗ người ta sẽ dễ dàng bỏ qua chúng nếu chưa từng nghe tên, và cũng xứng đáng được những du khách của những thắng cảnh nổi tiếng xung quanh “tiện thể” điền thêm vào lộ trình tham quan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *